Ở tuổi tiền mãn kinh cũng là lứa tuổi mà bắt đầu có biểu hiện triệu chứng thoái hóa khớp. Bệnh nhân thường đau khớp khi cử động, giảm khi nghỉ ngơi. Khớp thường bị là khớp gối, cột sống, khớp đốt ngón tay, ngón chân.
Triệu chứng đau mỏi xương khớp cũng khá phổ biến và là một trong những lý do chính khiến những phụ nữ này đến gặp bác sĩ khám bệnh. Hơn thế nữa, tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh là lứa tuổi mà một số bệnh xương khớp bắt đầu xuất hiện như:
1. Triệu chứng đau xương khớp thông thường
Ở giai đoạn tiền mãn kinh là những triệu chứng đau mơ hồ, thường là đau ít, lan tỏa toàn thân, đau cả xương và khớp không xác định rõ vị trí cụ thể, các khớp đau không có biểu hiện của viêm (không sưng nóng đỏ).
Đây là những biểu hiện lành tính, thường kết hợp với các triệu chứng khác của biểu hiện tiền mãm kinh. Triệu chứng sẽ giảm và hết khi qua giai đoạn này.
2. Đau khớp do thoái hóa khớp
Ở tuổi tiền mãn kinh cũng là lứa tuổi mà bắt đầu có biểu hiện triệu chứng thoái hóa khớp. Bệnh nhân thường đau khớp khi cử động, giảm khi nghỉ ngơi. Khớp thường bị là khớp gối, cột sống, khớp đốt ngón tay, ngón chân.
Đau khớp trong bệnh lý thoái hóa thường không sưng nóng đỏ. Đôi khi chỉ sưng khớp gối khi có tràn dịch khớp.
3. Đau cột sống do loãng xương, lún xẹp đốt sống
Mật độ xương đỉnh của con người cao nhất ở lứa tuổi 20-35 tuổi, sau 40 tuổi mật độ xương đỉnh bắt đầu giảm, đặc biệt giảm nhanh ở giai đoạn đầu của mãn kinh với tốc độ đạt đỉnh là 1,8-2,5% giảm mật độ xương hàng năm.
Do đó, phụ nữ ở tuổi mãn kinh có nguy cơ loãng xương rất cao và nguy cơ gẫy xương, lún xẹp đốt sống cũng tăng lên.
4. Đau khớp do viêm khớp
Viêm khớp do thấp ở nhóm tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh ít gặp hơn. Nhóm bệnh lý này (viêm khớp dạng thấp) thường khởi phát ở tuổi trẻ hơn 30 tuổi đến trước 50 tuổi, đôi khi cũng gặp khởi phát bệnh ở tuổi mãn kinh với những triệu chứng khớp đau kèm theo sưng nóng, cứng khớp buổi sáng kéo dài, khớp viêm đối xứng hai bên, vị trí thường gặp là các khớp cổ tay, bàn ngón tay, ngón gần, bàn ngón chân. Nếu không chẩn đoán và điều trị đúng sẽ dẫn đến dính và biến dạng khớp.
5. Đau khớp trong ung thư
Tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh cũng là lứa tuổi có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất. Với phụ nữ nhóm tuổi này; ung thư vú, ung thư cổ tử cung, buồng trúng, ung thư phổi, đường tiêu hóa là những ung thư hay gặp với tần suất mắc cao.
Khi bệnh nhân bị ung thư ở một cơ quan nào đó, ngoài triệu chứng toàn thân suy sụp như gầy sút cân, mệt mỏi thì những biểu hiện xương khớp cũng thường gặp như: sưng đau một vài khớp (khớp gối, cổ chân, khớp vai), đau dọc các xương dài, phì đại các đầu ngón tay (ngón tay hình dùi trống).
Khi ung thư đó có biểu hiện di căn xương thì bệnh nhân thường rất đau, toàn thân suy sụp nhiều vì di căn xương là giai đoạn muộn của bệnh. Khi đó, chụp xạ hình xương toàn thân sẽ phát hiện được di căn xương hay không. Vị trí di căn thường là khung chậu và cột sống.
Lưu ý để điều trị bệnh xương khớp
Những biểu hiện đau xương khớp ở lứa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh có thể chỉ là những triệu chứng cơ năng, lành tính, thoáng qua cùng với nhiều triệu chứng khác của hội chứng tiền mãn kinh. Cũng có thể là những triệu chứng của bệnh lý thực nhe trên đã nêu.
Có hai thái cực cần tránh: Một là lo lắng quá, những phụ nữ có những biểu hiện của tiền mãn kinh đôi khi hay có trạng thái lo lắng quá mức. Hai là chủ quan quá mức không đi khám bệnh kịp thời để bệnh diễn biến nặng rất khó điều trị và chi phí sẽ tốn kém.
Do dó, những phụ nữ ở lứa tuổi này cần đến khám bác sĩ định kỳ như các bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ cơ xương khớp, bác sĩ tim mạch và bác sĩ tâm lý để được phát hiện bệnh kịp thời, tư vấn bệnh tật và hướng dẫn dùng thuốc, đặc biệt khi có những biểu hiện bất thường trong tuổi mãn kinh.
Ngoài chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, thể dục hợp lý ở lứa tuổi tiền mãn kinh đôi khi cần phải dùng một số thuốc như: liệu pháp hormone thay thế, oestrogen, các thuốc bình thần để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh, hay là các thuốc điều trị thoái hóa khớp, loãng xương hoặc thuốc điều trị đặc hiệu khác khi bác sĩ chuyên khoa thấy cần thiết phải dùng.