Chỉ cần không khí bị ô nhiễm dù với một lượng nhỏ thế nào cũng gây hại đến thận và các cơ quan khác như tim và phổi, nghiên cứu giải thích.
Hít thở không khí ô nhiễm sẽ từng ngày phá hủy quả thận của chúng ta, dù lượng ô nhiễm có ít đi chăng nữa. Đây là cảnh báo mới nhất của các nhà khoa học Mỹ về tác động khôn lường của ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu do Hiệp hội Nephrology, cơ quan chuyên nghiên cứu về bệnh thận, của Mỹ thực hiện. Trước đây, ô nhiễm không khí đã cho thấy có mối liên kết với các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, hen suyễn và bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, theo Daily Mail.
Các nhà khoa học giải thích khi một người hít thở không khí bị ô nhiễm, các hạt bụi nhỏ, khí bẩn, bồ hóng… sẽ đi vào máu. Thận có chức năng lọc máu, do đó các hạt này sẽ gây tổn hại cho thận.
Chỉ cần không khí bị ô nhiễm dù với một lượng nhỏ thế nào cũng gây hại đến thận và các cơ quan khác như tim và phổi, nghiên cứu giải thích.
Các nhà khoa học đã theo dõi sức khỏe của 2,5 triệu người Mỹ trong suốt 8 năm, từ 2004 đến 2012. Sau đó, họ sử dụng dữ liệu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) để đo chất lượng không khí ở từng khu vực.
Sau khi đối chiếu và phân tích kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy ô nhiễm không khí đã gây ra gần 45.000 ca bệnh thận mới và gần 2.500 ca suy thận mới mỗi năm. Những khu vực có chất lượng không khí càng tệ thì nguy cơ mắc bệnh thận của người dân ở đó càng cao, theo Daily Mail.
“Có rất ít dữ liệu về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh thận ở người. Tuy nhiên, khi chúng tôi phân tích các dữ liệu thu được thì thấy mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh thận là rõ ràng”, tiến sĩ Ziyad Al-Aly, một trong những thành viên của nghiên cứu, tiết lộ. Ông cũng cho biết đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về tình trạng này.