Bệnh giãn tĩnh mạch cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để ngăn chặn nguy cơ từ suy tĩnh mạch nhẹ chuyển sang giai đoạn nặng gây mất thẩm mĩ cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tàn phế hay ảnh hưởng đến tính mạng
Người làm việc phải đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu, ít đi lại như nhân viên văn phòng là những người có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cao.
Chị Nhật M., kế toán tại một công ty tư nhân ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, 5 tháng nay chân chị có biểu hiện hay bị chuột rút, nhức mỏi về đêm và gần sáng. Chị chủ quan nghĩ do mệt mỏi nên không đi khám. Đến khi các mạch máu to ngoằn ngoèo nổi lên dưới da, chị hốt hoảng đi khám và được biết mình bị suy tĩnh mạch chân.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), thời gian đầu các dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch rất dễ lầm tưởng với các bệnh xương khớp khác. Đến khi bệnh nhân đến khám thì bệnh đã tiến triển nặng, phải tốn thời gian điều trị lâu dài và tốn kém.
Người làm việc phải đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu, ít đi lại như nhân viên văn phòng là những người có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cao. Nhóm đối tượng này có một số thói quen dễ dẫn đến bệnh suy tĩnh mạch như it vận động, mặc quần áo quá chật, mang giầy cao gót, chế độ ăn uống ít chất xơ, không đủ dưỡng chất và uống quá ít nước.
Giai đoạn phát triển của bệnh từ giãn nhánh mạch máu nhỏ li ti như sợi chỉ đỏ đến giãn các mạch máu to ngoằn ngoèo dưới da, cẳng chân bị lở loét nặng.. Nguy hiểm hơn, bệnh còn có thể gây nên những cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và theo dòng máu di chuyển về tim phải. Sau đó những cục máu này có thể được bơm lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi, trường hợp nặng có thể gây đột tử.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân (chi dưới). Ảnh ST
Bệnh giãn tĩnh mạch cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để ngăn chặn nguy cơ từ suy tĩnh mạch nhẹ chuyển sang giai đoạn nặng gây mất thẩm mĩ cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tàn phế hay ảnh hưởng đến tính mạng.
Bác sĩ Tuấn đưa ra một số triệu chứng sớm để nhận biết suy tĩnh mạch như sau:
– Mỏi chân, nặng chân, đau bắp chân, cảm giác bị căng nặng.
– Sưng mắt cá chân, thường thấy rõ nhất vào buổi tối sau một ngày làm việc.
– Hay bị chuột rút (nhất là vào ban đêm), cảm giác kiến bò, ngứa chân.
– Có những đường vành mạch máu nhỏ hay những đường gân xanh nổi trên da.
– Đau cổ chân, có vết chàm hay loét vùng cổ chân, viêm mô dưới da…
Những triệu chứng trên có thể tăng lên khi đứng lâu, ngồi lâu và giảm khi kê cao chân.
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy khuyến cáo chung là nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, nên tranh thủ đi lại giải lao khoảng 30-60 phút/lần. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp tập các bài tập vận động chân như: co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót… để máu lưu chuyển tốt hơn. Bơi lội là môn hể thao thích hợp nhất cho bệnh lý này. Bổ sung đủ bằng chế độ ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin.