Suy giảm chức năng ở hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa cũng khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tiêu chảy. Chỉ cần một điều kiện thuận lợi nhỏ cũng khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa của họ và gây ra tiêu chảy cấp. Bệnh nặng dẫn đến tình trạng mất nước khiến cho môi khô, mắt trũng và người bệnh luôn khát nước, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Sức đề kháng yếu, hệ tiêu hóa suy giảm là nguyên nhân gây ra các rắc rối về đường tiêu hóa ở người già. Hiểu được sự biến đổi của hệ tiêu hóa sẽ giúp khắc phục những khó khăn do tuổi tác gây ra.
Các loại bệnh tiêu hóa ở người già
Chán ăn mệt mỏi, không muốn ăn, hay bỏ bữa, thậm chí không có cảm giác đói hoặc mất hẳn cảm giác thèm ăn như trước là điều khá thường gặp ở người cao tuổi. Lý do bắt nguồn từ sự suy giảm của hệ tiêu hóa. Lúc này cả 3 chức năng của hệ tiêu hóa là co bóp, tiết dịch và hấp thu đều giảm sút. Từ đây nhiều chứng bệnh phát sinh như nghẹn, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy… Tùy từng người và tốc độ lão hóa của hệ tiêu hóa không giống nhau mà có các dạng rối loạn khác nhau.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Đỗ Thị Xuân Hương (Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Tp.HCM) cho biết: Một số người cao tuổi thường bị nghẹn khi ăn mặc dù ăn chậm và nhai kỹ. Bình thường, các thớ cơ vòng ở thực quản luôn trong tình trạng co nhẹ khiến ống này kín mít, nhưng khi làm động tác “nuốt” thì đoạn trên thực quản mở ra để nhận thức ăn và ngay sau đó co lại để đẩy thức ăn xuống dưới; cứ vậy, thức ăn bị đẩy xuống dạ dày chỉ hết vài ba giây đồng hồ. Nhưng ở người già, đoạn thực quản vừa giãn (hay vừa co) thì “trơ” ra, phải mất thời gian lâu hơn mới phục hồi để co (hay giãn) tiếp được, nhất là sự phối hợp co – giãn của đoạn trên với đoạn dưới mất nhịp nhàng làm người già dễ bị nghẹn.
Một dạng rối loạn tiêu hóa nữa thường gặp ở người già là chứng táo bón. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ dinh dưỡng không hợp lý bởi vì kiêng khem quá mức, ăn ít hoặc chán ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng. Táo bón khiến cho người già lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó có nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu đi đến hệ thống thần kinh.
Suy giảm chức năng ở hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa cũng khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tiêu chảy. Chỉ cần một điều kiện thuận lợi nhỏ cũng khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa của họ và gây ra tiêu chảy cấp. Bệnh nặng dẫn đến tình trạng mất nước khiến cho môi khô, mắt trũng và người bệnh luôn khát nước, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ của hệ tiêu hóa và các men tiêu hóa bị suy giảm một cách đáng kể nên người cao tuổi rất dễ bị sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân không thành khuôn.
Ngoài ra, bệnh ở túi mật và đường dẫn mật (viêm, sỏi) ở người già cũng có tỷ lệ rất cao so với người trẻ. Các bệnh về gan mật liên quan đến tiêu hóa, chức năng gan tốt làm cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn và ngược lại. Mắc bệnh về gan làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng.
Phòng hơn chữa
Bác sĩ Hương chia sẻ, một số bệnh gây rối loạn tiêu hóa khi không cần uống thuốc vẫn có thể tự khỏi hoặc giảm. Trong đó, điều quan trọng nhất để phòng bệnh là người cao tuổi nên có chế độ ăn hợp lý, kết hợp với thể dục hàng ngày và có đời sống tinh thần thoải mái.
1. Chế độ ăn: Ưu tiên rau quả, chia nhỏ bữa ăn
Tùy từng bệnh lí và thể trạng bệnh nhân để cân bằng dinh dưỡng phù hợp, nhưng tốt nhất vẫn nên ăn nhiều rau và thức ăn có nhiều chất xơ. Phải đảm bảo “ăn chín uống sôi”, thức ăn cần được nấu kỹ hơn, ưu tiên thức ăn mềm, loãng. Không nên ăn thức ăn đường phố hay những thức ăn đã để lâu ngày.
Thực phẩm nên được cắt nhỏ hơn. Chia ra thật nhiều bữa ăn nhỏ nếu hay bị nuốt nghẹn, thậm chí có thể ăn 8-10 bữa ăn một ngày nhưng mỗi lần chỉ ăn một ít. Đặc biệt đừng bao giờ ăn quá no vì sẽ càng làm tăng thêm tình trạng đầy trướng bụng. Không nên uống rượu, bia; không ăn chất cay, nóng như ớt, hành, hồ tiêu. Uống đủ nước 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
2. Vận động ở mức vừa phải
Ngoài dinh dưỡng, người cao tuổi nên tạo thói quen luyện tập thể thao hàng ngày để vừa cải thiện chức năng tiêu hóa, vừa tăng cường sức khỏe. Hàng ngày không nên ngồi lâu một chỗ vì các tư thế này một mặt gây cản trở sự chuyển vận, lưu thông trong ống tiêu hóa, mặt khác làm ức chế nhu động các cơ trơn dạ dày – ruột.
Tập luyện những động tác nhẹ nhàng như dùng hai bàn tay úp lên bụng, lặp lại nhiều lần vừa ấn vừa xoa tròn đều vòng quanh rốn, nếu triệu chứng là táo bón thì xoa theo chiều kim đồng hồ từ bên phải của mình, lên trên, qua trái rồi xuống dưới. Nếu triệu chứng là tiêu chảy thì xoa bụng theo chiều ngược lại.
Hoặc động tác khác: thóp bụng vào sau đó phình bụng ra, đồng thời dùng cơ bụng vận động đẩy bụng lên xuống nhằm xoa bóp chủ động các nội tạng bên trong khoang bụng, nhằm tăng cường lưu thông tuần hoàn đến các cơ quan vùng bụng.
Hình thức vận động tốt nhất là đi bộ. Mỗi ngày nên đi bộ tối thiểu 30 phút, không nên đi bộ quá một giờ và nên chia thành 2-3 lần đi bộ. Đối với người cao tuổi sức khỏe yếu nên đi bộ trong nhà, trong sân, khi có sức khỏe tốt hơn thì đi bộ xa hơn hoặc tham gia các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền…
3. Sử dụng thảo dược theo sự hướng dẫn của bác sĩ
Có thể dùng thuốc hoặc nhiều loại thảo dược như trần bì, bạch truật, nhân sâm, sa nhân, mộc hương, phục linh, hoài sơn, cam thảo, gừng, nghệ… để tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.
Các biện pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp điều hòa sự mất cân bằng trong cơ thể, tăng cường lưu thông khí huyết đến các tạng phủ, góp phần điều chỉnh, tăng cường chức năng truyền tống, vận hóa và bài thải của dạ dày – ruột. Tuy nhiên, tất cả những phương pháp này phải theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
4. Giữ tinh thần thoải mái
Cần cố gắng giảm thiểu những căng thẳng, bực tức cho người cao tuổi vì tâm lý không thoải mái sẽ làm giảm lượng máu cung cấp cho bộ máy tiêu hóa và dẫn đến tình trạng khó tiêu, trướng bụng, đầy hơi.